Ghi chép lại trouble đi tới IPPE, Atlanta, JAN -2014
Trước ngày lên đường đi công tác ở
Mỹ giáp Tết Giáp Ngọ 2014, vợ chồng tôi và bọn trẻ đi gói bánh chưng tập thể
cùng với nhóm bạn thân. Bọn trẻ tập biết gói và tôi cũng thế. Nồi bánh chưng luộc
xong cùng với sự liên hoan dài, dài mãi, của nhóm gia đình thân thiết của chúng
tôi. Gia đình tôi về trước vì chuẩn bị cho chuyến đi công tác xa nhà của tôi.
Con bé gái khóc thút thít và chỉ mong máy bay bị hỏng, câu con trai bỏ đi xem
phim với đám bạn, còn có tôi và chồng vừa chuẩn bị đồ, vừa dặn dò nhau chuẩn bị
cho ngày Tết vắng mẹ như thế nào….
Rồi đêm đến, tôi vẫn phải lên đường
ra sân bay cùng chồng và bọn trẻ. Tôi cũng mang vội tấm bánh chưng do tự tay
con trai gói để lên đường đón Tết ở Mỹ. Hy vọng bánh chưng sẽ làm tôi cùng chị
bạn ở cơ quan sẽ đỡ thèm Tết quê nhà.
Nhưng bánh chưng mang theo lại là
phần phiền toái của tôi và chị khi đặt chân xuống sân bay Mỹ.
Đến sân bay CHICAGO, khi chúng
tôi đang mải đón lấy hành lý gửi máy bay thì một chú chó cứ đẩy túi đồ của chị
bạn đi cùng tôi. Cái gì nhỉ? Cô an ninh Mỹ cao to và đẹp yêu cầu chúng tôi mở
túi hành lý, ôi trời cái bánh chưng ăn dở ở Sân bay Narita ở Tokyo chưa kịp bỏ???
Cô an ninh Mỹ hỏi trong đây là cái gì, tôi nói bánh chưng đặc sản của Tết,
chúng tôi mang đi cho đỡ nhớ,… và phải trình bày trong có gạo nếp, đỗ xanh và …
ít thịt lợn. Cô gái trợn mắt nhìn và lấy tay gảy gảy…. ôi phiền rồi sao, lại
quay về nước như “DƯƠNG CHÍ DŨNG” rồi sao??? Tôi lo lắng…. nhưng rồi cũng được
chấp nhận vì … chẳng có gì cả.
Sau cùng chị bạn đem phần bánh chưng
mang theo định bỏ vào sọt rác ở sân bay thì lại một anh chàng cũng cao, cũng to
và cũng đẹp trai hỏi “What is it?”, lại trình bày, lại giải thích, anh chàng lại
khoanh nhiều vào tờ khai hải quan của cả 2 chúng tôi… Tôi nói với chị bạn “đã
qua rồi thì đi thôi, cớ chi vứt”… Tưởng thế là xong, họ lại lôi chúng tôi vào hỏi
có làm ở trang trại không? “có”, có đi giày vào trang trại không? Không thể “yes”, tôi trả lời “no”, vì… lý do cũng được cho là hợp lý thế là
xong: vừa nhập được người, vừa nhập được “hàng hóa”.
Nhưng…, chúng tôi bị trễ chuyến
bay tiếp đến Atlanta vì chuyện trót “nhớ” bánh chưng….
Tôi bắt đầu rối, rối vì có 2 chị
em, rối vì không có ai để hỏi, không có ai sẵn sàng giúp đỡ. Chị bạn dành cho
tôi sự “ưu ái”, “em biết nói tiếng anh, em tính đi nhé chứ ngủ ở sân bay là chết
đấy”.
LUẬT HẤP DẪN
Chết là chết thế nào, tôi bình
tĩnh và bắt đầu sử dụng lực hấp dẫn mà đã được một người bạn tham gia khóa học
của một chuyên gia hướng dẫn “khi mình nghĩ đến sự việc gì, mình quyết tâm theo
đuổi suy nghĩ đó đến cùng và tập trung trí óc vào giải quyết sự việc đó, thì hiệu
ứng sẽ xuất hiện”. Lúc nghe người bạn nói tôi cũng ậm ừ để ngỏ, lúc này tôi thấy
cần phải thử để giải quyết việc lên máy bay dù đã muộn.
Tôi bắt đầu tìm một vị trí ngồi hẹn
chị bạn đợi, còn tôi đi liên hệ…
Tôi tới quầy check in và trình
bày việc cần đi Atlanta để dự buổi họp ngày mai, cũng lại anh chàng cao, to, đẹp
trai khác nói với tôi, không chắc chắn là tôi có được đi hay không, và xếp cho tôi
Stand by với gương mặt tỉnh khô như chẳng có chuyện gì, mặc tôi nhìn anh ta với
vẻ khẩn khoản.
Tôi lại đi quầy check in khác,
cũng lại trình bày… nhưng ở đây họ không thích sự trình bày mà chỉ trả lời tôi
với thái độ “như trên”: lạnh lùng, dứt khoát. Tôi hỏi cô người Mỹ quầy check in về hành lý của tôi đã gửi đi từ chuyến trước (vì tôi nghĩ sẽ không lỡ chuyến này), cô gái người Mỹ xinh nhưng chẳng làm tôi vui vì cô ấy khẳng định có "vấn đề đấy". Và tôi với chị bạn chỉ còn cách đợi và hy vọng hành lý của mình chẳng sao cả.
Chị bạn nói tôi đại ý “cậu đi liên hệ đi, cậu giỏi ngoại giao lắm mà”, hay “cậu
đến Mỹ rồi mà sao không thạo”??? Vừa buồn cười vừa bực vì đây là nước Mỹ và nước
Mỹ chứ có phải Thái Bình quê tôi đâu, tôi mới đi hơn một lần cũng như mới tinh
chứ…, nhưng rồi tôi tập trung vào luật hấp dẫn…
Tôi la cà hỏi một vài người đợi
máy bay, được biết họ cũng bị nhỡ máy bay nhưng họ có vé chứ không ở dạng
“stand by” như chúng tôi. Nhưng rồi tôi hỏi, liệu có mất phí cho việc có vé
không, tôi sẵn sàng chi, người bạn Mỹ nói với tôi, không phải mất phí cứ chờ. Nếu
nhân viên hàng không mà lấy phí của bất kỳ ai thì sẽ bị đuổi việc nếu như người
đưa tiền kiện sau đó.
Ở Mỹ không “kiện củ khoai”, thế
nên chỉ còn mỗi việc tập trung vào lực hấp dẫn. Tôi quay lại quầy check in thứ
hai, trình bày với cô người Mỹ xinh nhưng không cao, không to khác nữa... Tôi nói với cô
này rằng tôi sẵn sàng đợi cho đến chuyến bay cuối cùng để kịp buổi họp ngày
mai, và tôi sẽ cứ ngồi đây chờ cô ấy hướng mắt về tôi, hay đọc tên tôi. Và tôi
làm như thế thật, đầu tôi chỉ tập trung vào việc tôi sẽ được đi chuyến bay sau
đó và tôi chỉ cầu nguyện và quan sát xung quanh…
…Ai cũng laptop hoặc nói chuyện
điện thoại. … Thùng rác khắp mọi nơi…. Sân bay đông người và sạch.
…Vào vệ sinh cũng xếp hàng…. Mọi
thứ đều tự động… kể cả nhà vệ sinh…. Trẻ con thì bé mấy cũng tự đi bộ… Ai cũng
sẵn câu “thank you”, cho đi như thể rất thừa… Luôn nhường đường nếu ta theo
thói quen đi vội.
Và chắc là tôi sẽ đến lượt thôi…
Sau 3 tiếng đợi chờ, điều hiệu nghiệm đã đến khi tôi chìa hộ chiếu để được xin
có vé check in, cô người MỸ rõ xinh nhưng không cao và bé đã gọi tên tôi Ms, PHẠM
mà PHẠM thì chỉ có tôi ở đó… và họ còn nói tôi có một người nữa đi cùng…. Vâng
dạ rối rít, tôi cầm vé của mình và định giơ tay lấy vé của chị bạn, cô người Mỹ
ấy nói; để cô ấy đưa tận tay chị bạn của tôi. À thì ra thế, chút ân huệ phải được
trao cho chính chủ chứ nhỉ. Lực hấp dẫn hay sự cầu nguyện của tôi đều đi đến hiệu
ứng có hiệu quả.
Trên máy bay từ Chicago về Atlanta, chúng tôi ngủ một mạch, tỉnh dậy là máy bay hạ đất, tôi cứ nghĩ mãi
sao phía công ty mời mình không liên hệ nhỉ? Trên đường về KS với bão tuyết và
độ lạnh cứng người, tôi vẫn chỉ nghĩ tới việc làm sao liên hệ được với đối tác…
Tuyết ngập trắng trời, nhưng rồi về đến khách sạn chị bạn nhìn ngay thấy đồng
chí đối tác người Philipphin, đúng là cầu được ước có…
Chúng tôi về tới khách sạn sau 20
giờ trong lòng ống đường bay từ Việt nam tới Atlanta. Nhớ và nhớ tạc dạ về sự
“tự do và nỗi nhớ” kiểu Việt nam nhưng cũng học thêm được sự kiên trì bởi luật
hấp dẫn…
0 comments:
Post a Comment