Có ai dám viết về Phật như thế này không:
Một sáng phiêu bồng qua bên sông
Bỗng dưng hiểu Phật cũng đau lòng
Phật cũng khổ như người khốn khổ
Cúi đầu quay lại bên này sông.
Thời điểm trong thơ cũng không xác định, "một sáng" là một sáng nào, cả cách nói "phiêu bồng qua bên sông" cũng mông lung, mờ ảo. Ở đây thi nhân chừng như giác ngộ được đạo lý nhà Phật:"Chúng sinh là Phật sẽ thành!" Ông "phiêu bồng" qua sông một cách vô định. Thốt nhiên lại hiểu được "Phật cũng đau lòng", hiểu được nỗi khổ "như người khốn khổ" của Phật, và lại quay về bờ bên kia.
Đọc bài thơ, đôi khi tôi cũng thấy... đau lòng, dù chưa hiểu Phật như nhà thơ. Bến bờ bên kia sông, ngôn ngữ nhà Phật gọi là "bỉ ngạn", có thể tốt đẹp hơn, nhưng cũng có thể chỉ là bến bờ hư ảo, mông lung, vô định. Con sông thi nhân lướt qua trong bài thơ này có lẽ là "bể khổ", nhưng qua rồi liệu có thoát khổ chăng? Phật vốn minh triết, nhìn thấu sinh tử luân hồi, nhưng Phật cũng khổ, cũng như người khốn khổ! Có lẽ vì Phật biết thương chúng sinh, tình thương sinh ra không chỉ hạnh phúc mà còn đau khổ, vì con người còn đắm ở bến mê.
Cái hành động "cúi đầu quay lại bên này sông" của nhà thơ gần như 1 sự sám hối, quay về về cõi tạm, về với cõi người, chịu khổ đau để rồi hạnh phúc, không qua sông kiếm tìm hư ảo. Nhập thế để mà xuất thế...
Tưởng chừng "Hiểu Phật" đã là một bài thơ lạ kỳ, nhưng Nguyễn Bắc Sơn còn 1 bài thơ... ngỗ nghịch hơn:
Phật bảo đời người là bể khổ
Ta cười sướng khổ bổ sung nhau
Còn sống còn vui còn múa hát
Khổ đau như nước chảy qua cầu
Thi nhân cãi lại lời Phật dạy, cãi lại giáo lý nhà Phật một cách thẳng thừng. Đạo lý "đời là bể khổ" của Phật đã được các Phật tử thấm nhuần, coi như chân lý đã mấy ngàn năm, thi nhân gần như sổ toẹt. Có phải thế chăng?
Phật từng nói:"Giáo lý của ta như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu chỉ nhìn vào ngón tay thì sẽ không thấy được mặt trăng!" Nguyễn Bắc Sơn có lẽ đã nhìn theo ngón tay Phật, nhưng theo 1 hướng khác với các Phật tử! Ông nhìn theo hướng lạc quan hơn, tích cực hơn, và cũng đời hơn, thật hơn! Mà thật, đời đâu chỉ có khổ đau, hoặc giả đời có thật là khổ đau thì con người cũng nên tìm lấy niềm vui, còn sống thì hãy cứ vui, sầu khổ rồi cũng qua. Phật chẳng phải cũng muốn con người hạnh phúc nên mới nhập thế độ nhân hay sao? Vậy thì trước khi tới cõi Niết bàn, ta cứ sống thanh thản, cứ vui đi, đó há không là ước muốn của Phật sao?
Còn bạn thì sao? Có phải khổ đau như nước chảy qua cầu? Hay khổ đau là vũng nước đọng lại trong tim, luôn soi bóng buồn đau kiếp người của mình?
Nguồn http:// Nguyen Thi Lan linkedin.com
0 comments:
Post a Comment