Monday 26 December 2011

THĂM NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN những ngày cuối năm

“Nếu đến nghĩa trang Trường Sơn rồi thì em không thấy việc gì là khó cả”,
“Sao vậy chị?”,
“Bởi nhìn những nấm mồ bạt ngàn ở nghĩa Trang sẽ cho em thấy mọi giá trị”!!!
Trong buổi đi dự lễ đền Trần ở Nam Định hồi đầu năm, chị Lê Thị Thiết CTHĐQT của nhà hàng cánh diều vàng ở Nam Định đã nói với tôi như vậy.
Mang tâm sự này chia sẻ với chồng và ý tứ nói rằng muốn vào thăm nghĩa trang Trường Sơn, được chồng hưởng ứng ngay tức thì, thế là chúng tôi nên đường ngay trong dịp đầu năm.
Đến Hà Tĩnh, vì những lý do riêng một người bạn trong đoàn không muốn tiếp  tục cuộc hành trình nên tôi chỉ nghé vào thăm nơi yên nghỉ của mười cô gái ngã 3 Đồng Lộc.
Tôi cứ nuôi hy vọng, tháng sau, tháng sau rồi tháng sau nữa…..tôi sẽ có thể vào thăm nghĩa trang Trường Sơn như đã định,  nhưng công việc cuốn tôi đi và có nhiều bế tắc. Cho đến lúc tôi vượt qua được bế tắc thì không hiểu sự thúc giục từ đâu nói tôi phải đi tới nghĩa trang Trường Sơn. Cứ như một lời hẹn, tôi không nói với chồng mà chỉ cùng chồng tiến về Miền Trung những ngày đầu tháng 10 âm lịch. Anh đi cùng tôi và chỉ nghĩ tới Nghi Xuân - Hà Tĩnh là sẽ quay về, nhưng tôi nói “chỉ còn 200 km nữa thôi là em thực hiện được lời hứa đầu năm” và cuộc hành trình của chúng tôi tiếp tục….
Khỏi phải nói, chúng tôi tới nghĩa trang Trường Sơn vào buổi trưa nắng nhẹ, và ngay lúc đó có chị phụ nữ đi qua chỗ chúng tôi hỏi thăm và tự nhận là người trông coi nghĩa trang đã đưa chúng tôi vào đài tưởng niệm chung của nghĩa trang Trường Sơn. Khi vừa mới thắp hương đột nhiên những giọt mưa lất phất và gió lùa làm tôi chợt nghĩ, mưa thế này thì làm sao mình thắp hương được cho các chiến sĩ nhỉ? Thôi mưa ướt chút cũng được, cứ cố vậy để còn chiều kịp về, tôi tự nhủ với mình như vậy.
Tôi hỏi khu vực nghĩa trang Hà nội, Vĩnh Phúc và Thái Bình để tới thắp hương.
Trong làn khói hương, mưa lắc rắc và rồi ngừng hẳn chẳng thể làm ướt được tóc tôi. Chúng tôi cứ thế thắp hương ở ban thờ chung của các liệt sĩ Hà Nội và hầu hết các ngôi mộ phía ngoài.
Tôi hỏi thăm đường lên nghĩa trang của các liệt sỹ tỉnh Thái Bình, thấy mấy đứa trẻ nhỏ cũng đến rắc hoa cho những ngôi mộ ở đây, thấy tôi thắp hương cho từng ngôi mộ, đứa bé gái nói: “cô cứ thắp hương ở đài tổng của tỉnh là được, cô thắp từng ngôi mộ thế, không hết được các bác còn lại sẽ tủi thân”. Bất chợt nhìn đứa trẻ, tôi hỏi quê quán mới biêt đó là những em bé người Vân Kiều (mang họ Bác Hồ) nhà gần khu  vực nghĩa trang. Rồi như được sắp đặt bọn trẻ theo vợ chồng tôi đi thắp hương ở khu vực nơi yên nghỉ của các liệt sỹ tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Chúng líu lo như bài học thuộc lòng khu vực nghĩa trang của các liệt sỹ từng tỉnh một, có tổng bao nhiêu ngôi mộ, có bao nhiêu chiếc vô danh, có bao nhiêu chiếc chưa tìm thấy người thân, khu vực tỉnh nào có nhiều liệt sỹ nhất…. Ánh mắt chúng đẹp lạ kỳ, thắp nên sự trong sáng của trẻ nhỏ nơi miền hoang dã. Đang thắp hương tôi nói: “hết hương mất rồi”, chúng tiếp luôn: : “cô không lo, mai con thắp tiếp”, tôi ngạc nhiên: “ ngày nào con cũng ra đây thắp cho các anh à?”, “các ông chứ, con phải gọi bằng ông cô ạ”, chúng sửa lời nói của tôi. “À ừ các ông liệt sỹ”, tôi à ừ… lặp lại và hỏi chúng tiếp: “ai cho tiền con mua hương?”, “mẹ con”. Nếu cứ nói chuyện với chúng thì có lẽ chẳng hết những câu chuyện về nghĩa trang Trường Sơn này.
Tôi kết thúc để chia tay bọn chúng bằng sự đề nghị chụp ảnh cùng và nói gửi tiền lại để mai chúng mua hương thắp tiếp để khỏi phải xin tiền mẹ, và một ít cho chúng mua chúng mua sách vở. Nhưng tất cả bọn nhỏ cùng góp hết số tiền lại và đưa cho  1 đứa nói “để mai mua hương nữa”. Tôi bỗng thấy cay cay nơi sống mũi vì chắc chắn nhà bọn trẻ không được xếp vào dạng khá giả nhưng tại sao chúng có được những hành động mà để tôi thấy phải nể bởi tiền bạc sẽ không phải là phương tiện và được nhắc tới nhiều với những đứa trẻ tuổi đi học mang họ BÁC HỒ ở nghĩa trang Trường Sơn này.
“Trường sơn xẽ dọc, rọc ngang
Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng
Trường Sơn vượt núi băng sông
 Xe đi trăm ngả chiến công bốn mùa
Trường Sơn đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình.”





Tôi viết lại những cảm nhận của mình ở nghĩa trang Trường Sơn và thầm cảm ơn ông xã, cảm ơn chị Thiết đã cho tôi những cảm nhận tuyệt với ở nghĩa trang Trường Sơn, những cảm xúc mà chỉ thể cảm nhận và khó diễn tả thành lời. Nếu đã đến nghĩa trang Trường Sơn rồi bạn mới thấy mọi điều chúng ta đang làm là những điều nhỏ nhoi, mọi khó khăn chúng ta thấy, đều là những điều bạn sẽ dễ vượt qua. Mọi sự trong đời người rồi sẽ qua, nhưng ân tình sẽ mãi đọng lại và ngân vang, ngân xa.

5-11-2011

0 comments:

Post a Comment