Saturday 24 September 2011

RÚT RA BÀI HỌC: CUỘC SỐNG LÀ CÁC PHÉP TÍNH, SAU CHUYẾN HÀNH TRÌNH TÂM LINH VỀ CÕI PHẬT.

0 comments
Niệm Phật

Thỉnh Chuông (Chùa Đống Duyên - Hải Dương)
Ăn Cơm chay tại nhà chùa (Chùa Cảnh Linh - Hải Dương)


Chùa Vân - Tịnh Viện Vân Sơn - Vĩnh Phúc


Chuyến đi của chúng tôi đã phải hoãn lại tới 2 lần và cuối cùng cũng quyết định đi vào ngày 23 & 24/7/11, thế mà đã tròn hai tháng sau buổi đi cùng các CEO17-chuyến đi hành trình tâm linh về cõi phật. Đặt tên như vậy để đánh dấu những chuyến đi chứ thực ra chuyến đi bị hoãn đi hoãn lại nên không có nhiều người tham gia.
Ô tô của chúng tôi xuất phát vào buổi sáng mùa hè khi mưa vừa kịp tạnh. Tôi vẫn không quên nhâm nhi cà phê ở Hà nội trước khi xuất phát…và vẫn vị hơi đắng dễ chịu ….
Mục đích của chuyến đi là tới những ngôi chùa để được thiền tâm của mình, để được nghe các sư giảng về đạo phật để thấy được sự tâm linh huyền bí trong những ngôi chùa.
Trong 2 ngày, chúng tôi qua 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và thăm 9 ngôi chùa nơi đây. Hai ngày ăn cơm chay, 2 ngày niệm phật và ngủ tại chùa, tất cả chúng tôi đều cảm nhận được sự linh thiêng trong cõi phật đó là niềm tin.
Thuyết nhân quả trong đạo phật là các phép tính cộng trừ nhân chia: ta lấy đi bao nhiêu là phép tính cộng thì ta phải trả bấy nhiêu là phép tính trừ, ta gieo bao nhiêu điều tốt lành phép chia ta sẽ được nhận bấy nhiêu quả phúc đức là phép tính nhân. Hóa ra cuộc sống và các sự vật xung quanh ta là phép tính mà thôi.
Trăng sáng nửa đầu tháng cứ mỗi ngày là phép cộng vào để trăng tròn viên mãn ngày rằm, rồi là trừ nửa tháng sau để cuối tháng đêm ba mươi ta chẳng thể tìm đâu ra dấu tích của trăng. Sự sống phải thở của chúng ta cũng vậy, hít vào là phép tính cộng và thở ra là phép tính trừ: ta hít sâu thì cũng thở ra dài… ồ cuộc sống thật tuyệt xoay vần xoay vần trong phép tính mà ta đâu dễ nhận ra.
Hạnh phúc là được chia sẻ, được cho đi mà ta đâu biết theo thuyết nhân quả trong đạo phật: đời sẽ trả lại cho ta. Những điều ta cho đi có khi nào bị mất đâu, Đạo phật dạy ta rằng thuyết nhân quả phải được quán bởi tâm hồn trong sáng: tâm hồn ta càng rộng thì hành phúc càng lớn, tâm hồn càng sâu lắng thì hạnh phúc càng tăng cao. Hãy tìm hạnh phúc ở chính tâm hồn mình, đừng tìm kiếm ở nơi khác. Không có niềm hạnh phúc và sự an toàn nào được bảo chứng cho ta trên thảm gấm do người khác đem đến, ta muốn bước trên chiếc thảm nhung lụa kia thì chính ta phải là người dệt nên nó và chọn nơi để trải.
Qua hai tháng chiêm nghiệm lại những điều được thấy trong những lời giảng đạo của các tỷ khiêu (đại đức) tôi mới thấy chính mình sẽ là người duy nhất có thể thay đổi được số phận của mình. Sống phải tốt, sống phải đẹp, sống phải thiền quán bằng lòng biết yêu thương.

Thursday 22 September 2011

Hiểu Phật rồi cãi Phật

0 comments
Nguyễn Bắc Sơn vốn là nhà thơ với cách viết ngang tàng, mạnh mẽ. Ông nổi tiếng với các bài thơ lính, thơ chiến tranh, sau này có cả thơ ngụ ngôn. Và đặc biệt... ít nổi tiếng nhất là thơ về Phật. Theo tôi biết, ông chỉ có 2 bài thơ viết về Phật, và cũng với giọng điệu... ngang tàng nhưng u uẩn, sâu sắc.

Có ai dám viết về Phật như thế này không:

Một sáng phiêu bồng qua bên sông
Bỗng dưng hiểu Phật cũng đau lòng
Phật cũng khổ như người khốn khổ
Cúi đầu quay lại bên này sông.

Thời điểm trong thơ cũng không xác định, "một sáng" là một sáng nào, cả cách nói "phiêu bồng qua bên sông" cũng mông lung, mờ ảo. Ở đây thi nhân chừng như giác ngộ được đạo lý nhà Phật:"Chúng sinh là Phật sẽ thành!" Ông "phiêu bồng" qua sông một cách vô định. Thốt nhiên lại hiểu được "Phật cũng đau lòng", hiểu được nỗi khổ "như người khốn khổ" của Phật, và lại quay về bờ bên kia.

Đọc bài thơ, đôi khi tôi cũng thấy... đau lòng, dù chưa hiểu Phật như nhà thơ. Bến bờ bên kia sông, ngôn ngữ nhà Phật gọi là "bỉ ngạn", có thể tốt đẹp hơn, nhưng cũng có thể chỉ là bến bờ hư ảo, mông lung, vô định. Con sông thi nhân lướt qua trong bài thơ này có lẽ là "bể khổ", nhưng qua rồi liệu có thoát khổ chăng? Phật vốn minh triết, nhìn thấu sinh tử luân hồi, nhưng Phật cũng khổ, cũng như người khốn khổ! Có lẽ vì Phật biết thương chúng sinh, tình thương sinh ra không chỉ hạnh phúc mà còn đau khổ, vì con người còn đắm ở bến mê.

Cái hành động "cúi đầu quay lại bên này sông" của nhà thơ gần như 1 sự sám hối, quay về về cõi tạm, về với cõi người, chịu khổ đau để rồi hạnh phúc, không qua sông kiếm tìm hư ảo. Nhập thế để mà xuất thế...

Tưởng chừng "Hiểu Phật" đã là một bài thơ lạ kỳ, nhưng Nguyễn Bắc Sơn còn 1 bài thơ... ngỗ nghịch hơn:

Phật bảo đời người là bể khổ
Ta cười sướng khổ bổ sung nhau
Còn sống còn vui còn múa hát
Khổ đau như nước chảy qua cầu

Thi nhân cãi lại lời Phật dạy, cãi lại giáo lý nhà Phật một cách thẳng thừng. Đạo lý "đời là bể khổ" của Phật đã được các Phật tử thấm nhuần, coi như chân lý đã mấy ngàn năm, thi nhân gần như sổ toẹt. Có phải thế chăng?

Phật từng nói:"Giáo lý của ta như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu chỉ nhìn vào ngón tay thì sẽ không thấy được mặt trăng!" Nguyễn Bắc Sơn có lẽ đã nhìn theo ngón tay Phật, nhưng theo 1 hướng khác với các Phật tử! Ông nhìn theo hướng lạc quan hơn, tích cực hơn, và cũng đời hơn, thật hơn! Mà thật, đời đâu chỉ có khổ đau, hoặc giả đời có thật là khổ đau thì con người cũng nên tìm lấy niềm vui, còn sống thì hãy cứ vui, sầu khổ rồi cũng qua. Phật chẳng phải cũng muốn con người hạnh phúc nên mới nhập thế độ nhân hay sao? Vậy thì trước khi tới cõi Niết bàn, ta cứ sống thanh thản, cứ vui đi, đó há không là ước muốn của Phật sao?

Còn bạn thì sao? Có phải khổ đau như nước chảy qua cầu? Hay khổ đau là vũng nước đọng lại trong tim, luôn soi bóng buồn đau kiếp người của mình?
Nguồn http:// Nguyen Thi Lan linkedin.com